TRẦN ANH THÁI BÌNH THƠ TRẦN QUANG ĐẠO


Nhà thơ Trần Quang Đạo

BÀI THƠ CỦA TRẦN QUANG ĐẠO
Con chim sâu ở giới tuyến Nam Hàn

Trên những cành cây tôi chưa biết tên
có con chim sâu ngó nghiêng đôi mắt
đôi chân như cuống lá bám vào cành dính chặt
gió thổi từ Bắc Hàn từng cơn.

Con chim sâu tìm mồi
và lá xanh lật từng nếp trời chào tôi tới
trời trên cánh chim sâu không còn ranh giới
te tua lá cờ và những dải vải bay theo 

Con chim sâu thật hiền
đôi cánh nhỏ bay qua sông có thể về bên kia làm tổ
có thể mang mồi từ Nam Hàn cho đàn con nhỏ
giới tuyến xóa nhòa trên đôi cánh chim.

Sao dây thép gai làm bị thương cả tầm nhìn?

.

LỜI BÌNH CỦA TRẦN ANH THÁI 

Nhà thơ Trần Anh Thái

Bài thơ mười ba câu, gồm một trăm mười bốn từ. Nhà thơ bắt tay vào xây dựng thế giới nghệ thuật của mình với chỉ một đối tượng duy nhất- con chim sâu. “Trên những cành cây tôi chưa biết tên/ có con chim sâu ngó nghiêng đôi mắt”. Bối cảnh của hiện thực được xác định: Nhà thơ đang ở một vùng đất lạ, không phải tổ quốc mình, bên những cành cây chưa hề biết tên. Và trên những cành cây lạ lẫm ấy, có một con chim sâu. Sự đơn độc xuất hiện: Nhà thơ là một khách lạ, đến vùng đất lạ, và chỉ một mình. Sinh vật duy nhất là bạn với nhà thơ là con chim sâu- cũng đơn độc. Ở nơi này sự đơn độc bao trùm, cái đơn độc của một nỗi niềm thăm thẳm diệu vợi. “đôi chân như cuống lá bám vào cành dính chặt”, tiếp tục tạo dựng lên những hình ảnh thực: Cành cây xa lạ, đôi chân con chim sâu dính chặt vào cành khẳng định thân phận của “kiếp sinh”: Nhỏ nhoi, yếu ớt và rất mong manh; nhưng khao khát sống, khao khát bám níu vào cái tồn tại để tồn tại.

Nhưng những chi tiết, hình ảnh thực được phác thảo một cách khá chính xác trên không phải cái mà nhà thơ hướng đến. Đích đến của nhà thơ chính là ở tầng sâu sự chân thật. Từ sự chân thực của biểu tượng, nhà thơ khơi gợi, thức tỉnh  vùng thẩm mỹ và suy tưởng của người đọc: “đôi chân như cuống lá bám vào cành dính chặt/ gió thổi từ Bắc Hàn từng cơn”. “Đôi chân như cuống lá” là một so sánh rất thật, nhưng nếu chỉ là sự mô tả cái cụ thể rất thật thì “cứng, bí”; nên ngay sau đó, tác giả nhảy một bước thật tài hoa: “gió thổi từ Bắc Hàn từng cơn”. Người đọc ngay lập tức cảm nhận có một điều gì đó không bình thường xẩy ra: Con chim sâu cô độc, yếu ớt và gió từng cơn ở Bắc Hàn buốt xiết, xô giật. Hai câu thơ trên bề mặt văn bản không hề có sự liên kết nào, nhưng lại tạo cảm giác về sự ruồng bỏ, và nỗi niềm xa xót vô hạn. Sự liên kết giữa hai câu thơ trên chính là sự liên kết của cảm giác được thăng hoa. Chính sự liên kết ngầm này tạo ra khoảng trống mênh mông cho người đọc thỏa sức vẫy vùng suy tưởng.

Đoạn hai của bài thơ Thi sĩ tiếp tục đẩy vấn đề lên cụ thể hơn: “con chim sâu tìm mồi / và lá xanh lật từng nếp trời chào tôi đến”. Nhắc lại một cách có ý thức và chân thật về  cái cụ thể đang hiện diện để mở rộng, khơi gợi. “trời trên cánh chim sâu không còn ranh giới/ te tua lá cờ và những dải vải bay theo”. Trời trên cánh chim là hiện thực vô tận mênh mông, mang lại cảm giác tự do, xóa nhòa mọi giới hạn. Nó không liên quan gì đến “te tua lá cờ và những dải vải”. Nhưng ở hai câu thơ này, người đọc laị ngay lập tức liên tưởng và cảm nhận rõ ràng, có một sự đối lập giữa bầu trời mênh mông không giới hạn và những lá cờ – biểu tượng của riêng biệt, phân cách, có giới hạn. Và trong trường hợp cụ thể, ở giới tuyến Nam Hàn này, thì nó là sự ly tan, không hợp nhất. Ở một tầng sâu khác, sự đối lập này còn phát đi thông điệp: Với bầu trời mênh mông trên cánh chim, thì lá cờ chia cắt là  suy tàn, vô nghĩa. Nó chỉ là mảnh vải te tua, không ý nghĩa giá trị gì…

Đoạn ba của bài thơ vẫn là con chim sâu, nhưng là “con chim sâu thật hiền/ đôi cánh nhỏ bay qua sông có thể về bên kia làm tổ”. Ở đây, nhà thơ đẩy lên một bước nữa, cụ thể hơn về thân phận của con chim nhằm tạo dựng, bật sáng ý tưởng. “ có thể mang mồi từ Nam Hàn cho đàn con nhỏ”. Ý thơ bật thoát hẳn lên: “ giới tuyến xóa nhòa trên đôi cánh chim”. Con chim ngơ ngác, nhỏ nhoi, đẹp hiền, không tội tình gì, có thể đi kiếm mồi ở nhiều nơi về nuôi con, chuyện ấy là bình thường. Nhưng cái không bình thường là con chim  tìm sinh nhai ở bên kia giới tuyến, trong sự chia cắt, mang về nuôi con ở bên này giới tuyến, được phân định bởi lá cờ, cho dù là “te tua”. Còn có nỗi đau nào hơn, một sản phẩm mong manh, đẹp đẽ của tạo hóa bị giới tuyến do con người dựng lên chia cắt. Bị chính lòng tham, sự hận thù của con người vấy đục, tước đoạt cái cao thiêng nhất: Tình yêu thương và tự do. Nhưng mọi rào cản do con người tạo dựng, nhằm thỏa mãn tham vọng, thực ra chỉ là ảo tưởng. Tạo hóa có qui luật riêng, vượt lên mọi tham vọng tầm thường: Trên cánh chim ấy, không có giới tuyến nào cả. Tất cả vĩnh cửu một vẻ đẹp tuyệt mỹ của tạo hóa : tình mẫu tử và tự do “giới tuyến xóa nhòa trên đôi cánh chim”.

Câu thơ cuối cùng đặt ra câu hỏi cho tất cả. “ Sao dây kẽm gai làm bị thương cả tầm nhìn?”. Đây là một câu hỏi lớn. Câu hỏi chỉ có thể có được khi nhà thơ là người từng trải nghiệm nỗi đau của sự mất mát, chia cắt giới tuyến. Nhà thơ là người trong cuộc. (trong trường hợp này là người cùng cảnh ngộ chia cắt – Trần Quang Đạo, quê Quảng Bình, nơi sát vĩ tuyến mười bảy) , đã sống kỹ càng, đã thấm đẫm thăng trầm dâu bể với hiện thực chia cắt, và tự lúc nào nó ngấm sâu vào dòng máu nhà thơ. Qua câu hỏi đó, thân phận con người hiện lên đau đớn, xa xót, mệt mỏi. Và đồng thời nó cũng ngầm báo về một nguy cơ tha hóa,  trước sau gì cũng dẫn đến hủy diệt. Câu hỏi trở thành lời cảnh báo, một thức tỉnh lương tâm. Và đó, chính là sự kiêu hãnh của thơ.

Một bình luận

  1. Tặng chung một chai Chivas sứ 21 xách tay cho tác giả bài thơ, người bình và chủ trang ( mồi tự túc). Khekhe….

Bình luận về bài viết này