HỌ THƯƠNG DÂN THƯƠNG VIỆT NAM ?


NGUYỄN TRỌNG TẠO

Khi ta biết thương yêu một ngọn cỏ dưới chân, là ta biết thương yêu tổ quốc mình. Bảo vệ một ngọn cỏ cũng là bảo vệ tình yêu tổ quốc. Một đất nước mà không có cỏ thì nó sẽ là gì? Là không có gì mọc lên được. Là một đất nước không còn gì để yêu.

Nếu ta nghĩ cỏ cũng là  dân, ta sẽ thương yêu dân. Vì không có dân thì sẽ chẳng ai cần đến quan. Vì không có dân thì có vua để làm gì? 

Chợt thương quan không dân chợt thương ngai không chủ
thương những đời người chung thân trong áo mão cân đai

Nhưng có vua quan đó mà sao dân khổ thế? Vua quan để làm gì nếu không nói là để làm cho dân sướng.

Thời này ở ta vua quan đã hết thời, chỉ còn lại lãnh đạo. Lãnh đạo mà làm cho dân sướng thì lãnh đạo cũng mệt lắm. Cho nên, nhiều vị lãnh đạo không chọn dân sướng mà chọn mình sướng. Mình sướng là được. Dân khổ kệ dân.

Nổi lên cái sự khổ đó là phong trào cưỡng chế thu hồi đất. “Dân có đất dập dìu hợp tác” đã qua rồi. Bây giờ luật lệ chả biết làm thế nào mà đất của dân thành đất nhà nước. Đất hương hỏa bao đời của dân lại trở thành của công. Một cú “sở hữu tập thể” (nhà nước) ngoạn mục đến nỗi dân cứng lưỡi vì mấy dòng luật đất đai do “con dân” dựng lên. Một cú “chia quả thực” mới thay cho “dân cày có ruộng” đã khiến nhiều nhà dân mất trắng hàng mẫu đất. Đến đất nhà thờ bao đời cũng là của nhà nước? Và nếu cần, nhà nước sẽ cưỡng chế luôn cả nhà thờ!!!

Nhưng dân lại cứ tưởng đất mình thừa kế, đất mình khai hoang “theo tiếng gọi” là của mình. Đến khi mở luật ra mới biết là không phải. Một cái luật thật lạ, luật biến đất tư thành đất công, biến người chủ đất phải làm thuê trên đất của mình. Vậy nên, khi nhà nước cưỡng chế thu đất thì dân phải bó tay.

Phản ứng về cái điều luật đó, là phản ứng tự phát của dân khi bị dồn vào thế mất đất. Một loạt súng hoa cải ở Tiên Lãng, Hải Phòng làm thức tỉnh cả người dân lẫn chính quyền. Một cuộc rào làng giữ đất ở Văn Giang, Hưng Yên khiến cả lực lượng chuyên chính xác định sai kẻ thù, đứng hẳn về nhóm lợi ích  để tấn công dân. Và gần đây nhất là câu chuyện nhói lòng: những người phụ nữ chân yếu tay mềm ở Cần Thơ phải dùng đến “vũ khí khỏa thân” để bảo vệ đất.

Tất cả những hình ảnh đó được đưa lên truyền thông, khiến hình ảnh Việt Nam yêu dấu bị thay đổi một cách tồi tệ. Không ai cho đó là những hình ảnh đẹp để quảng bá Việt Nam, mà đó là những hình ảnh bôi bẩn cả nghìn năm lấp lánh.

Đàng sau những hình ảnh bẩn đó là một dãy những hình ảnh bẩn nối tiếp. Đó là chính quyền loanh quanh chạy tội với mục đích “thắng dân”. Những “chiến thắng” nhục nhã và đê tiện đổi trắng thay đen, đổi tội thành công, đổi yêu thành ghét. Tôi ngồi uống rượu với Tướng công an Phạm Chuyên nghe anh than thở về sự dã man của những hành động đê tiện đó, và anh nói, “Thua dân thì có gì mà xấu hổ?”. Nhưng người ta chỉ muốn thắng dân mới “oai hùng”. Và theo đó, hàng loạt những mưu mô bỉ ổi đã hiện hình.

Tôi nói với Tướng Phạm Chuyên: “Công an và côn đồ đánh nhà báo, đánh dân… có cả video trưng lên cho bàn dân thiên hạ thấy, thế mà mấy tháng liền công an không xác định được ai là tội phạm, sao lạ vậy? Chả lẽ nghiệp vụ công an lại kém đến thế sao?” Anh Chuyên im lặng và tôi thấy mắt anh chực ứa lệ.

Giọt nước mắt của Tướng công an đã nghỉ hưu thương cho những người dân vô tội bị đánh hay thương cho những người lính nhà nước, từng là quân của anh?

Đã có ai đánh dân dám nói một lời xin lỗi?

Đã có ai phát ngôn sai dám nói lại cho đúng?

Đã có ai dám nghe sự tố cáo trung thực của người dân?

Có! Một tiếng có yếu ớt cất lên đâu đó. Và chưa kịp được hoan hô thì nó đã chìm vào trong tiếng sấm sét của trời cao.

Đất! Vâng, nếu không có đất người ta vẫn có thể sống trên các căn hộ chung cư cao tít tầng trời. Nhưng tại sao tiếng kêu xé ruột lại là đất? Là vì đất không bình yên. Đất nước cũng đang rùng mình vì những tiếng kêu ai oán.

Giáo sư Đặng Hùng Võ nói với tôi: “Trung ương XI đã quyết chủ trương về luật đất đai như thế rồi, chỉ còn cách tăng cường tính ưu việt cho các điều luật cụ thể sẽ sửa đổi mà thôi”. Tôi biết, nói thế là anh đang buồn. Anh vẫn thấy thương dân quá, vì có thể, dân vẫn tiếp tục bị thiệt thòi vì luật đất.

Tôi thiếu hiểu biết trong phạm vi này, nhưng hiện tượng dồn dân vào chân tường, dồn dân vào bước đường cùng để dân phải phản kháng một cách tự phát quái đản chưa từng thấy trong chế độ XHCN thì thật là một điều “cần xem lại mình”, xem lại luật đất, và xem lại sự tham lam lẫn hèn hạ, trí trá lẫn ngu dốt của mình trong ứng xử với dân.

Nếu lãnh đạo không thương yêu dân, cũng có nghĩa là họ không thương yêu tổ quốc của mình. Đó là một phán xét mà lương tâm không thể chối bỏ.

31.5.2012

16 bình luận

  1. Lau lau NTT lai co mot bai viet hay,chung toi bay gio thay tho, van la on den tan co vi chi noi va ban nhung thu tam phao vo vi trong khi cuoc song dang soi dong nhan dan can tu do de tho hit.

  2. “Nếu lãnh đạo không thương yêu dân, cũng có nghĩa là họ không thương yêu tổ quốc của mình. Đó là một phán xét mà lương tâm không thể chối bỏ.”
    Bác Tạo ôi, Hôm qua bác nói “Đạt đạo” thì chữ “đạo” ấy là “đạo lý”,. Còn hôm nay bác bàn về “Lãnh đạo” thì chữ ” đạo” này đã biến thành… “đạo tặc” mất rồi. Hu Hu !!!!

  3. Bây giờ họ coi dân như thù địch rồi đó anh, còn đâu tình nghĩa như ngày xưa nữa. Em cảm thấy nhân dân bây giờ coi khinh chính quyền, còn chính quyền thì thù địch với dân, nhìn chung là mâu thuẫn đối kháng rồi, không thể hàn gắn được nữa đâu anh ạ. Em sống giữa nhân dân, em hiểu mà. Anh có bài viết rất xúc động, rất chính xác, nhưng anh ơi nhà cầm quyền họ đâu có cái tâm đó. Bộ mặt của họ, lương tri của họ đã bẩn thỉu và méo mó lắm rồi. Không biết đến khi nào thì nhân dân VN hết khổ đây? Thương cho nhân dân của tôi quá.

  4. Bác Tạo chỉ biết một mà chưa biết hai, luật VN cho phép biến đất tư thành đất công rất dễ nhưng cũng lại cho phép biến đất công thành đất tư rất dễ.
    – Đất công dùng để chia cho quan chức, công chức, LLVT..là phần bổng lộc nhiều hơn lương nhiều lần;
    – Nhà và đất thuộc sở hữu nhà nước bán như cho với người thuê (là ai? là lớp như ông Thúy, ông Nghiên đó);
    – Đất công cộng cho công trình phúc lợi (công viên, sân bóng, nghĩa trang liệt sỹ…), đất thưộc sở hữu tư khác (dân đen đang ở, đang cày cấy nhưng vì lọt vào tầm ngắm của đại gia).
    Có một vài ông Vươn, Văn Giang, Vụ Bản..có ăn thua gì đâu so với việc đất công thành đất tư. Bản thân, gia đình họ hàng hang hốc của quan chức đều có đất chia (và đất dự án cũng dành một phần để chia) nhưng có ma nào kêu nhiều quá đâu, có báo chí nào kêu nhiều đâu. Đó mới thực sự là vấn đề làm cho chính phủ ta không muốn sửa Luật đất đai đó bác ạ.

  5. Cháu nghĩ rằng chưa chắc họ đã làm chỉ vì cá nhân họ, họ làm vậy vì một tập thể lợi ích, tập thể của những người cai trị. Họ bao che cho nhau, chỉ khi không làm thế nào được nữa họ mới giả nhân giả nghĩa làm trò minh bạch. Nếu chỉ vì lợi ích một cá nhân thì người ta không thể làm được điều đó, nhưng khi đã trở thành một tập đoàn lợi ích thì không thể thay đổi được gì nếu không loại bỏ tập đoàn đó.

  6. Thực trạng của “dân cày có ruộng”

    http://motgoctroi.com/StLichsu/CCRDat/CCRD_hinhanh.htm

    Từ trước tới giờ, họ có bao giờ thương dân đâu mà bác nói thế . Cứ như ngày xưa là đẹp lắm vậy!

  7. Cảm ơn..những giọt nước mắt trong sạch….

  8. Bác Tạo đã giật được giải thưởng nhà nước rồi. Nay viết bài này lại đoạt được giải nhân dân nữa. Thành thật chúc mừng:
    Kính thưa bác Nguyễn Trọng Tào
    Quan ta không có người nào tham ô?
    A Di Đà Phật nam mô
    Quan ta giàu có là nhờ dân cho.

  9. Bài viết rất hay ! Cám ơn chú!

  10. Nghị luận của Nguyễn Trọng Tạo hay hơn thơ của ảnh. Nó thiết thực và có giá trị thúc đẩy cải tạo cuộc sống.
    Đúng là cái luật đất đai hiện nay cực dở. Thế giới này chỉ còn vài nước chưa chịu công nhận sở hữu tư nhân về đất đai. Những quốc gia ấy chẳng thuộc về thời cổ đại, trung đại, vì 2 cái thời ấy nó tiến bộ hơn nhiều ! Chắc nó thuộc thời… thổ tả!
    Cảm ơn anh !

  11. Cảm ơn bác Tạo, bài viết của bác đã làm nổi bật bản chất “ưu việt” của nhà nước XHCNVN ta. Xin thưa với bác sao bây giờ quan cách mạng lại độc tài, áp đặt thế, họ coi dân mình, coi cha mẹ mình không bằng cỏ rác dưới chân mình; họ sẵn sàng chà đạp hãm hại nhân văn, tổ tiên mình. Thật không ở đâu sánh bằng XHCN như xứ mình. Giống ở đơn vị quân đội của tôi Trường sĩ quan Thông Tin Nha Trang vừa qua có một giảng viên gửi Email kiến nghị góp ý xây dựng lên hiệu trưởng để bày tỏ thái độ và quan điểm của mình về việc bắt quân nhân sinh hoạt công đoàn là trái với quy định của pháp luật (Theo quy định quân nhân trong LLVT ko phải tham gia công đoàn). Thế mà lãnh đạo, chỉ huy chúng nó kết bè trù dập bằng việc lợi dụng cấp ủy kỷ luật cảnh cáo bên Đảng và bên chính quyền rồi tìm cách đuổi việc Thầy ấy một cách oan trái vô cùng thâm độc. Chúng còn đùn đẩy, cản trở không cho khiếu nại quyết định oan sai đó. Thật là một lũ chó độc tài, áp đặt.
    Hỡi công luận hãy cứu chúng tôi khỏi nhà tù của bọn độc tài áp đăt!

  12. Đọc bài của bác Tạo mà mắt em đã nhòe đi vì thấy thương dân mình quá! bài của bác tuy ngắn nhưng nó như những vần thơ mà bác đã viết, nó đầy cảm xúc thấm đẫm tình người và xót xa cay đắng! Bác Phạm Chuyên, một tướng Công an cũng phải ứa lệ khi bác hỏi: “Công an và côn đồ đánh nhà báo, đánh dân… có cả video trưng lên cho bàn dân thiên hạ thấy, thế mà mấy tháng liền công an không xác định được ai là tội phạm, sao lạ vậy? Chả lẽ nghiệp vụ công an lại kém đến thế sao?” thì hỏi ai không thấy bất bình? ai không động lòng trắc ẩn? Chỉ những kẻ hoàn toàn vô cảm với nhân dân, với đồng loại, với đất nước thì mới không suy nghĩ, không có tiếng nói gì… Vậy mà cho đến nay vẫn chưa thấy chính quyền và những nhà lãnh đạo đáng kính của ta có chính kiến. Vụ việc vẫn đi vào im lặng đáng sơ! Thật là không thể hiểu nổi? Có lẽ một trăm, nghìn câu hỏi đặt ra cũng đến thế thôi!

  13. Cám ơn bài viết ngắn nhưng đậm tính nhân văn của bác Tạo. Mong sao giới cầm bút xứ ta có nhiều trăn trở với dân với nước như thế!
    Bác vừa xứng đáng nhận được GTNN ở nhà hát lớn hôm 27/5 vừa rồi. Vậy mà chút phú qúi (lộc) cỏn con ấy vẫn không làm bác đổi dạ.
    Bả vinh hoa đã không khóa được miệng kẻ sỹ đích thực là lẽ đó!

  14. Dân khổ kệ dân

    Bác Tạo viết hay quá.
    Lại nhớ Nguyễn Trãi viết:
    “Gần đây nhân họ Hồ chính sự phiền hà
    để trong nước lòng dân oán hận”

    Các lãnh đạo nhà mình có thể nói: “Dân oán kệ dân không nhỉ?”

  15. Anh Tạo kính mến
    Tôi là người thường xuyên vào trang Web của anh.Trước đây, tôi được biết anh là một nhà thơ va là một nhạc sĩ có những bài hát làm xúc động lòng người.Đến hôm nay, tôi được biết anh qua 1 chân dung khác: Dũng cảm và bản lĩnh.Đằm thắm đầy tình nhân ái với con người và đất nước.Tôi càng khâm phuc anh hơn và càng thấu hiểu người viết ra những bài hát hay như vậy về quê hương và những bai thơ cháy bỏng về tình yêu con người, yêu đất nước không thể là con người không sâu sắc.Tôi yêu văn học và khi đọc những bài của anh viết về Phùng Quán, Bùi Minh Quốc…Những nhà văn, nhà thơ đầy nhân cách, dù phải sống khổ cực, oan uổng vẫn giữ vững được tư cách CON NGƯỜI chân chính.Tôi rất cảm động.
    Anh thật xứng đáng với quê hương NGHỆ AN.Anh là 1 thầy đồ xứ NGHỆ. Tôi luôn tự hào đươc làm đồng hương của anh.Dù rằng tôi chưa 1 ngày lớn lên ở đó. Tôi là đời F1.Kính chúc anh mạnh khỏe, có nhiều bài thơ bài hát hay cho đất nước mình.Tôi bày tỏ lòng khâm phục tài năng của anh.Nhưng còn kính phục nhân cách của anh gấp nhiều lần.

Bình luận về bài viết này