NGUYỄN TRỌNG TẠO
…Thơ Lê Quang Sinh mở trang nào cũng đẫm một chất quê rưng rưng thương nhớ, cay cay ân huệ, và, khát khát tình xưa.
Tôi chợt nhớ 20 năm trước, Sinh đang học những năm cuối Đại học Bách khoa Hà nội. Ở đấy có một câu lạc bộ thơ mang tên là “Vòm cửa xanh”. Có lẽ đấy là hình ảnh của cái cổng trường đại học – cổng trường hình parabon. Có mấy người trong nhóm thơ ấy, sau này đã thành danh: Nguyễn Quang Lập có thơ được giải thưởng, có tiểu thuyết được dịch ở Pháp; Nguyễn Thành Phong, Đoàn Xuân Hòa, Hà Đức Hạnh… trở thành nhà thơ và nhà báo. Cũng có những cái tên đẹp thời ấy như Thủy Tiên, Hồ Kim Nga… giờ tôi không rõ đang làm gì, ở đâu, nhưng nhớ về họ tôi lại nhớ một câu thơ của Hàn Mặc Tử: “Ngày mai trong đám xuân xanh ấy – Có kẻ theo chồng bỏ cuộc chơi”. Lê Quang Sinh phiêu bạt vào Sài Gòn, phiêu bạt sang nghề xây dựng, nhưng thơ thì không bỏ được. Thỉnh thoảng thấy tên anh trên những bài thơ in báo, in sách; rồi tên anh xuất hiện trong danh sách những người được giải thưởng thơ ở trung ương, ở địa phương. Lê Quang Sinh không có cái may mắn nổi bật như một vài bè bạn của anh, nhưng anh vẫn hành trình bền bỉ trên con đường thơ và không phải không tạo ra những điểm sáng của riêng mình:
Gặp nhau mừng ly rượu
Bấy nhiêu năm chiết đầy
Uống nửa vầng trăng lạc
Ngất ngư chìm sau mây
Không nhớ quê đến “ngất ngư”, không nặng nợ với quá khứ, và không lưu lạc “bấy nhiêu năm” thì chắc gì Lê Quang Sinh đã “chiết đầy” tình quê như rượu như men trong những câu thơ khắc khoải đến nao lòng.
Những con bướm bay trắng lèn đá cổ
Những chiều tà gặp ổi chín bâng khuâng
Thơ không cốt tả mà cốt gợi, thơ không cốt kể mà cốt cảm. Khi những hình ảnh được nhìn bằng mắt biến thành những thi ảnh trong tâm thức nhà thơ thì lúc ấy thơ mới có thể bắt đầu. Con đường đi từ thi hứng đến một câu thơ, đoạn thơ và trở thành một bài thơ luôn tinh vi và lạ lùng, và mỗi người thơ đều tạo ra con đường tới thơ hay của riêng mình. Có người thơ đi trên con đường cheo leo hiểm trở. Có người thơ đi trong bóng tối u minh, và có người thơ lại đi trên con đường bằng phẳng, êm ru. Lê Quang Sinh dường như đã chọn được cho mình một con đường trở lại quê nhà thật chân thành và mộc mạc. Thơ anh len về tận các ngõ nhỏ của ký ức làng quê. Và dù đôi lúc còn vụng về, thừa thãi ngôn từ, nhưng cái tình quê, cái cảnh quê, cái nỗi khắc khoải thương quê của Sinh là vô cùng sáng rõ:
Xin làng trồng lại cây đa
Thẳm xa gương mặt làng ta tụ về
Chắp tay, trước núi sông kề
Trăm năm nhân kiệt lại về địa linh
Trong một xã hội đầy biến động mà bước chân công nghiệp đang ồ ạt tiến về làng quê làm thay đổi cả cảnh sắc, con người nơi thôn dã, thơ Lê Quang Sinh vẫn không chịu nhuốm màu “công nghiệp hóa”. Khao khát bảo tồn vẻ đẹp xưa không hẳn là bảo thủ hay lạc hậu, mà đấy lại chính là bản tính nhân văn truyền thống của người Việt. Đọc thơ Lê Quang Sinh, tôi như gặp lại cây cau, giàn trầu, giếng thơi nơi thành phố ngất ngưởng nhà lầu. Con người của thời đại lấn chiếm bầu trời hầu như càng thắc thỏm nỗi nhớ về mặt đất. Cũng như càng đi xa về phía thị thành đô hội, người ta càng khắc khoải một niềm thương nhớ đồng quê vất vả mà thanh bình.
Đọc thơ Lê Quang Sinh cũng có nghĩa là cùng anh hành hương về ký ức làng quê.
Hà Nội, 2006
Filed under: Phê bình, Tổng hợp | Tagged: LÊ QUANG SINH, NGUYỄN TRỌNG TẠO |
Trả lời