dutule.com: Chúng tôi chính thức đón nhận những câu hỏi của quý bạn đọc, thân hữu gửi cho nhà thơ, nhạc sĩ và cũng là hoạ sĩ Nguyễn Trọng Tạo – – Một cây bút nổi tiếng của văn học Việt Nam hôm nay ở cả ba lãnh vực vừa kể.
Trong tinh thần gìn giữ tính thuần túy văn học và nghệ thuật của sân chơi chung này, chúng tôi xin được phép lập lại rằng:
Nhóm điều hành trang dutule.com dành quyền:
– Biên tập những thư viết quá dài; nhưng vẫn tôn trọng ý chính của người hỏi.
– Chúng tôi từ chối chuyển tới Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo những câu hỏi mang tính chính trị hoặc, có thể dẫn tới những tranh cãi không cần thiết.
– Mỗi bạn đọc, thân hữu có thể đặt nhiều câu hỏi, một lần.
– Nếu có những câu hỏi giống nhau, chúng tôi sẽ tóm tắt nội dung và công bố quý danh những người gặp gỡ nhau nơi câu hỏi đó.
– Câu hỏi được chuyển cho nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo theo thời gian nhận được. Do đó, câu trả lời của họ Nguyễn cũng sẽ theo thứ tự nàỵ
California, ngày 10 tháng 4 năm 2010,
dutule.com
NHÀ THƠ NGUYỄN TRỌNG TẠO TRẢ LỜI ĐỘC GIẢ
minhngonnt Thưa chú, vừa là nhà thơ, vừa là họa sĩ, nhạc sĩ…lãnh vực nào chú cảm thấy mình an nhiên hơn cả? Người ta nói: “Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”, cho cháu tò mò một chút, lãnh vực nào làm chú “thân vinh” nhất?
Nguyễn Trọng Tạo: Với tôi, dù làm thơ viết nhạc làm báo hay vẽ… đều chưa bao giờ an nhiên. Ngay cả khi tôi viết phê bình văn học nghệ thuật cũng vậy. Cuốn “Văn chương cảm và luận” khi vừa in ra, có người mua về đọc rồi đưa cho con đang chuẩn bị thi văn vào Đại học đọc vì họ cho rằng, cần phải hiểu văn học bằng sự rung động của tình cảm kiểu “nhà sáng tác viết phê bình”; có người cho cuốn sách đó là “hiện tượng phê bình” ngay từ khi nó vừa ra đời; nhưng cũng có người cho là “có vấn đề” tức là “phản động”. Thơ của tôi cũng vậy, có bài bị cho là “có vấn đề” như bài “Tản mạn thời tôi sống”, nhưng cũng chính thời điểm đó nhiều người lại đọc và thuộc lòng dù nó khá dài và sau này thì nó được in lại… Có bài hát tôi viết chỉ trong chốc lát, viết chơi chơi thì sau đó lại được công chúng yêu thích như một “hội chứng” mà trường hợp “Khúc hát sông quê” là một điển hình. Văn chương nghệ thuật là vô cùng, không ai tận hưởng hết cái hay của nó, ngay cả chính người làm ra nó có khi cũng bất ngờ về sự kỳ lạ của đứa con tinh thần do mình đẻ ra. Tuy nhiên tôi chọn Thơ vì thơ là nghiệp. Cái nghiệp thơ nó vào thân tôi từ lúc nào không nhớ, nhưng, Thơ với tôi bao giờ cũng thiêng liêng. Có lẽ vì thế mà có lần người ta bầu tôi vào Hội đồng Thơ, làm trưởng ban biên tập báo Thơ ở Việt Nam.
Bố tôi là ông đồ nho nên tôi cũng hiểu lời khuyên “nhất nghệ tinh, nhất thân vinh” của người xưa. Nhưng mọi lời khuyên không có lời nào là tuyệt đối với tất cả mọi người. Ta có nên khuyên Văn Cao hay Trịnh Công Sơn như thế không? Trong nghệ thuật, Văn Cao là “dòng sông 3 nhánh” như có người nói, nhưng với tôi thì có 3 ông Văn Cao. Văn Cao Thơ, Văn Cao Nhạc, Văn Cao Vẽ. Con người Văn Cao nào cũng thành đạt cả. Tuy vậy nỗi đau đáu nhất của Văn Cao vẫn là con người Thơ. Vì 1 người mà có nhiều con người như vậy nên không tránh khỏi bị ghen tuông, đố kỵ trong cái làng văn chương nghệ thuật. Nguyễn Đình Thi cũng bị như thế. Giới Thơ bảo ông Thi chỉ tài văn xuôi. Giới văn xuôi bảo ông Thi chỉ tài âm nhạc. Giới âm nhạc lại bảo ông Thi chỉ tài Thơ… Rốt cuộc ông Thi là ai? Là Nguyễn Đình Thi mà lĩnh vực nào cũng có người công nhận là tài?
Tôi không dám so sánh tôi với ai cả, nhưng tôi biết tôi là ai, và tôi không bao giờ từ chối những gì Trời cho hay đời cho. Và tôi mang ơn tất cả mọi người mà đầu tiên là cha mẹ đã sinh thành và giáo dưỡng.
thanhtranthanh Thưa ông, khi sáng tác nhạc, phần nào ông làm trước? Thơ hay nhạc? ông có phổ nhạc cho thơ của người khác không? Và có ai phổ nhạc cho thơ ông không? Nếu có, vì ông cũng là nhạc sĩ nên trong trường hợp đó ông có hài lòng không?
Nguyễn Trọng Tạo: Tôi sáng tác nhạc thường ngẫu hứng. Có khi bắt đầu bằng một cái tứ rồi viết luôn thành bài hát cả nhạc và lời cùng lúc. Có khi bắt đầu bằng một nét nhạc vang lên trong đầu. Khi đọc bài thơ nào đó gợi lên cảm xúc âm nhạc là tôi phổ nhạc. Có lúc chỉ phổ mấy câu thơ thích, rồi cứ thế chỉ viết nhạc theo tư duy hình tượng, cấu trúc riêng; sau đó mới viết tiếp lời ca. Thỉnh thoảng tôi cũng viết nhạc trước rồi mới đặt lời. Và tôi đã từng đặt lời cho một số nhạc sĩ khi họ đã viết xong phần nhạc. Tôi có một số ca khúc phổ thơ của bạn bè như “Làng quan họ quê tôi” phổ (phỏng) thơ Nguyễn Phan Hách, “Khúc hát sông quê” phổ (phỏng) thơ Lê Huy Mậu, “Tôi trở thành đồng đội” phổ thơ Nguyễn Hoa, “Con dế buồn” phổ thơ Hoàng Phủ Ngọc Tường… Cũng có mấy nhạc sĩ phổ thơ tôi như Phú Quang với bài “một dại khờ một tôi” phổ từ bài thơ “Chia”. Trường hợp Giáng Son phổ bài thơ “Cỏ và mưa” thì bài thơ này ngắn quá, chỉ có 4 câu nên Giáng Son viết thêm nhạc rồi nhờ tôi đặt tiếp lời ca vào. Nói chung, bài hát nào hay mà phổ từ thơ thì nhà thơ đều rất sướng, vì bài thơ như được nhân bản theo cấp số nhân.
chiennguyen Chúng tôi tò mò muốn biết ông đã quen nhà thơ Du Tử Lê như thế nào? Khi nào?
Nguyễn Trọng Tạo: Tôi đọc thơ Du Tử Lê từ trước 1975 do tình cờ có được những tờ báo Sài Gòn in thơ anh, rồi sau là đọc tập thơ anh được giải thưởng. Nhưng mãi đến năm 1993 tôi mới gặp anh (cùng đi với 2 người phụ nữ gốc Huế). Anh từ Mỹ về Huế tìm tôi và Hoàng Phủ Ngọc Tường. Anh nói rằng, định tìm lần trước nhưng ngại, nay liều gõ cửa. Anh đến nhà tôi, và như đã quen từ lâu lắm. Các nhà thơ với nhau vẫn thế. Tôi bày tiệc rượu đón anh, mời cả Hoàng Phủ Ngọc Tường đến. Chúng tôi ngồi với nhau đến khuya mới tiễn khách về bằng xe máy. Anh Tường chở Du Tử Lê, tôi chở 2 cô gái Huế bạn anh. Đến ngã tư cầu Tràng Tiền thì bị công an huýt còi. Nhận ra tôi, một anh công an nhắc vui: Lần sau anh Tạo chỉ nên chở 1 o thôi kẻo xe quá tải cháy máy đó.
Sau đó tôi chuyển ra Hà Nội. Nhiều lần về nước Du Tử Lê thường gọi cho tôi, rồi chúng tôi gặp nhau khi ở nhà tôi, khi ở khách sạn anh ở. Và tôi rất vui khi vẽ bìa “Du Tử Lê Thơ Tình” cho anh. Vợ anh bảo, đó là cái bìa thích nhất trong 40 bìa sách của anh Lê. Tiếc là cuốn sách đó phát hành ở Việt Nam không được suôn sẻ.
hungnguyenvan Sau này nhiều người làm thơ hay mà rất trẻ, có bao giờ ông sợ “gặp” một Nguyễn Trọng Tạo không?
Nguyễn Trọng Tạo: Tôi nghĩ, dù ai đó có giống tôi, thì cũng chả sao, mà cũng không thể giống nhau tuyệt đối được, bởi vì mỗi con người là một thế giới riêng, có những bí mật riêng, và người ta cũng dễ nhận ra sự khác biệt cơ bản. Ở Hà Nam có một người tên là Nguyễn Trọng Tạo có viết sách báo về những vụ án, nhưng không ai nhầm đó là tôi. Tuy nhiên khi lập hộp thư điện tử và websitte, thì Yahoo báo là đã có ních nguyentrongtao rồi. Thế thì tôi lại thành nguyentrongtao1. Khi tôi định lập trang web nguyentrongtao.com thì tên miền này đã có ai đó ở Mỹ đăng ký rồi nên phải lập trang nguyentrongtao.org. Chả sao cả. Nhưng tôi sợ nhất là cái ông Nguyễn Trọng Tạo tự lặp lại chính mình.
Jennihoang Thưa anh, cái phút ban đầu anh khám phá ra mình là nhà thơ là vào lúc nào và nó như thế nào? Nó có phải là vào một đêm mưa gió bão bùng không?
Nguyễn Trọng Tạo: Tôi không nhớ rõ, nhưng có lúc tôi đã viết về “sự cố” đó thế này:
NGHIỆP VÀO THÂN
Hồi nhỏ tôi học giỏi toán, từng đỗ đầu vào lớp 8 chuyên toán của tỉnh, nhưng do địa phương “làm chậm” thủ tục nên tôi không vào học ở đấy. Tuy nhiên, điểm văn hàng năm của tôi vẫn không thua gì điểm toán (5/5), và thầy dạy văn vẫn thường giao cho tôi phụ trách một số buổi ngoại khóa văn học cho lớp hoặc toàn khối. Có lẽ thầy giáo đã phát hiện ở tôi có một năng khiếu gì đó về văn học chăng?
Lúc ấy, tôi không ý thức về năng khiếu văn học của mình. Nhưng từ nhỏ tôi vẫn ham đọc sách. Con mọt sách là tôi đã gặm hầu hết tủ sách của cậu (bố) tôi còn sót lại sau cải cách ruộng đất, chỉ trừ những cuốn chữ Nho và chữ Pháp thì cậu tôi phải kể lại cho tôi nghe. Tôi gặm nhanh những cuốn sách mới mua về cùng với những cuốn sách mượn được của bạn bè, có cả những cuốn sách chép tay mà sau này tôi mới biết là sách của Tự lực Văn đoàn, loại sách đặc biệt bị cấm kỵ lúc bấy giờ. Nhưng chủ yếu là sách truyện, còn thơ thì hầu như rất ít. Vả lại, tôi ít thích những bài thơ trong sách giáo khoa, đại để như “Hà Nội có cầu Long Biên – Vừa dài vừa rộng bắc trên sông Hồng” quá giản đơn, hoặc những câu khó hiểu đến kỳ quặc như “Đảng ta đó trăm tay nghìn mắt – Đảng ta đây xương sắt da đồng” của Tố Hữu… Những thứ thơ ấy làm tuổi nhỏ của tôi bị dị ứng. May thay, trong tủ sách của cậu tôi còn một cuốn sách cũ đã rách bìa và mất mấy trang đầu, viết về thi sĩ Hàn Mặc Tử. Những câu thơ, bài thơ được trích dẫn ở đây khiến tôi bàng hoàng như bị một ma lực kỳ diệu cuốn hút. Thơ và cuộc đời Hàn Mặc Tử thực sự ám ảnh tôi. “Người đi một nửa hồn tôi mất – Một nửa hồn tôi bỗng dại khờ”. Tôi lấy sổ tay chép lại những bài những câu tôi thích. Đến câu: “Bây giờ tôi dại tôi điên – Chắp tay tôi lạy cả miền không gian” thì hình ảnh thi nhân hiện lên trong tôi đầy thương cảm. Nước mắt tôi ứa ra. Tôi thẫn thờ suốt buổi chiều như người nhiễm bệnh. Đêm hôm đó tôi không học bài được. Và đúng là bệnh thi sĩ đã nhiễm vào tôi. Thế là nỗi ám ảnh về Hàn Mặc Tử, về kiếp thi nhân đã trào ra đầu cây viết của tôi, đứa trò nhỏ của người thầy tự chọn. Bài thơ của tôi được viết ra không có đầu đề:
Tôi nằm nhoài giữa ánh trăng
Lưng tôi thảm cỏ rối hăng hương nồng
Bạn ơi, trăng hóa dòng sông
Tôi như thuyền nhỏ trôi trong nỗi niềm
Bây giờ tôi dịu tôi hiền
Biết đâu tôi dại tôi điên bao giờ
Mai sau tôi chết trong thơ
Hay là thơ chết bên bờ hồn tôi
Trăng trên ngọn liễu trăng ngồi
Tôi trên ngọn liễu tôi rơi bây giờ
Bạn ơi, trăng quá ngây thơ
Còn tôi cằn cỗi già nua thế này
Bao giờ tôi hóa làn mây
Hẳn tôi muôn thuở sum vầy cùng trăng…
Tôi đưa cho cậu tôi đọc. Cậu tôi hỏi: “Con chép ở đâu ra đấy?” Tôi thưa:”Con đọc cuốn Hàn Mặc Tử rồi con làm”. Cậu tôi “à” một tiếng, rồi đọc lại bài thơ. Xong, ông nói: “Con làm thơ lục bát được đấy. Học Hàn Mặc Tử nên có những ý lạ. Nhưng thời nay người ta không thích loại thơ này đâu. Cất đi. Nhưng khi nào thích làm thơ thì con cứ làm cho vui, chứ thành nhà thơ thì khổ lắm. Cổ kim có nhà thơ nào sung sướng gì đâu. Hàn Mặc Tử tài là thế mà đâm bệnh chết. Cụ Nguyễn Du nói rồi: “Đã mang lấy nghiệp vào thân – Cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa”. Tôi hiểu là ông vừa can ngăn vừa khuyến khích tôi.
Mười năm sau tôi in tập thơ đầu tiên và mang về tặng cậu tôi một cuốn. Ông mừng lắm, thưởng cho tôi một chén rượu. Đọc xong tập thơ, ông hỏi: “Sao không thấy bài thơ lục bát anh làm hồi còn đi học?”. Tôi giải thích: “Hồi đó cậu bảo con cất đi, bởi người ta không thích loại thơ ấy mà. Về sau con thấy cậu nói như vậy là đúng, nên con không đưa in đâu cả”. Cậu tôi lại “à” lên một tiếng rồi nói: “Thôi thì cứ phải tùy thời. Rồi cũng có lúc in được đấy”.
Mấy tập thơ sau đó, tôi đưa bài thơ ấy đều bị gạt ra. Mãi đến năm 1989 nó mới được in trong tập thơ Gửi người không quen của tôi. Đấy là lúc văn học đã bước qua thời “Đổi mới”. Nhưng cậu tôi không còn sống để được đọc bản in bài thơ đầu tiên của tôi, ông đã yên giấc 12 năm trước đó.
truonglapnng Những nhà thơ trẻ sau này hình như họ lấy cái táo bạo, để hơn nhau, càng loạn càng táo tợn càng hơn người, càng vô luân càng bay cao. Ông có nghĩ thế không?
Nguyễn Trọng Tạo: Sao lại “càng vô luân càng bay cao” được nhỉ? Cái gì cũng có quy luật của nó, có giá trị thẩm mỹ (hay đạo đức) của nó. Nếu không, thế giới sẽ loạn, văn chương sẽ loạn. Ý bạn muốn nói rằng, văn chương thời nay đang “loạn chuẩn”? Quả cũng có vậy, nhưng nếu chịu lắng lại chút, chờ đợi chút thì thế giới lại “đâu vào đấy” cả thôi. Đừng nôn nóng hỡi các bạn trẻ. Nghệ thuật hay sự phát triển tài năng không thể “đốt cháy giai đoạn”. Sự táo tợn của tuổi trẻ là cần thiết. Sự bức xúc của tuổi trẻ trong sáng tạo là cần thiết. Nhưng, “hãy đợi đấy”. Đừng tưởng bơi qua ao là bơi qua được Thái Bình Dương.
Nhiều bạn làm thơ trẻ đã nhận biết được mình thực sự là ai sau cơn bột phát tài năng từ năng khiếu. Nhưng không ít bạn trẻ đã ngộ nhận tài năng và phải trả giá đắt. Đó là bi kịch của ảo tưởng. Hay hiểu cách khác thì đó là sự hợm hĩnh kiêu ngạo, coi thường nghệ thuật, coi thường công chúng.
ngthitrtrang Thưa ông, ông có đọc nhiều những tác giả Miền Nam? Tác giả đã ra nước ngoàỉ? Lần đầu tiên ông đọc văn chương Miền Nam, cảm giác của ông thế nào?
Nguyễn Trọng Tạo: Tôi đọc khá nhiều “tác giả miền Nam”, nghĩa là tác giả Sài Gòn trước 1975 cũng như các tác giả Việt hải ngoại sau đó, cũng nghe nói có người nổi tiếng lắm nhưng tôi chưa được đọc. Tuy nhiên, đọc các tác giả miền Nam trước 1975 lần đầu tiên, tôi có cảm giác ngôn ngữ văn chương của họ bị cũ. Cũ về cách dùng từ. Hình như những năm 1960 – 1970 họ dùng nhiều từ của thời tiến chiến, thời thơ mới, nhiều từ Hán-Việt. Ngay cả Vũ Hoàng Chương trước tôi thích nhưng đọc những sáng tác về sau lại thấy cũ. Lúc đó ở miền Bắc đã qua thời văn chương bình dân mới, đến sự thách thức của nhóm “Nhân văn Giai phẩm”, thời “bác học xô bồ” thời chiến tranh, rồi đến lượt các nhà thơ “thế hệ chống Mỹ” cách tân… Cũng cựa quậy lắm, cũng đồng quan niệm với nhóm “Sáng tạo” cả thôi, nhưng muộn hơn. Đặc biệt sau 1975 thơ miền Bắc táo bạo cách tân hơn phía Nam. Một hồi người ta nói “Văn Bắc báo Nam” cũng có nguyên cớ gì đó. Cái cảm giác “văn Sài Gòn cũ” nó ám ảnh tôi hơi bị lâu. Ngay cả Bùi Giáng là người tôi thích, tôi vẫn cảm giác ngôn ngữ của ông bị cũ. Vì thế, cái gì thích của ông thì tôi rất thích. Ngược lại cái gì tôi không thích thì rất… không thích. Có lẽ thời đó, không nhớ rõ lăm, tôi thích thơ Nhã Ca, Nguyên Sa, Thanh Tâm Tuyền, đặc biệt Nguyễn Bắc Sơn đầy cá tính. Thích tiểu luận Mai Thảọ Về sau thích Võ Phiến khi ông viết cuốn Văn học miền Nam. Du Tử Lê thì tôi thích khoảng sau hơn. Có điều lạ, không hiểu sao trước 1975 tôi lại rất thích lời ca trong ca khúc Trịnh Công Sơn hay truyện ngắn Bình Nguyên Lộc. Nó có gì đó rất mới, mà không xa lạ. Có thể chủ nghĩa hiện sinh ảnh hưởng vào Sài Gòn tức thì, một ít người “hợp tạng” thì tiếp thu được, còn thì bị quá thái hoặc ngô nghê.
Nhưng giờ thì mọi việc đã khác. Văn học đã đi con đường đầy đa dạng và phức tạp. Văn Bắc, văn Nam hay văn hải ngoại không còn phân biệt nữa. Nhưng có một xu thế gần đây khiến tôi rất lo ngại thực sự là: văn chương đang quay về “bình dân hóa” kiểu Phonclo. Đấy là sự đi ngược xu thế phát triển của văn chương – từ dân gian tới bác học.
Johnny Thỉnh thoảng cháu có đọc bài chú trên báo nước ngoài. Chú đăng bài như vậy, chú gặp khó khăn không?
Nguyễn Trọng Tạo: Câu hỏi này có vẻ quan tâm cho vận mạng chính trị của tôi lắm. Nhưng bạn yên tâm, bởi tôi là tôi chứ không phải tôi là đài báo của nước nào cả, phe nào cả. Cách đây gần 20 năm, chị Thụy Khuê, nhà bình luận văn nghệ xuất sắc của đài RFI có hỏi tôi như thế, và tôi đã trả lời chị ấy rất vui: Chị nghĩ tôi là cái loa của đài chị hay đài Hà Nội sao? Cám ơn bạn, và hãy tin như thế.
Hà Nội, 19.4.2010
(Còn tiếp)
Filed under: Phỏng vấn, Viết về tôi | Tagged: DU TỬ LÊ, Nguyễn Trọng Tạo |
Hi,hi! Sao chả ai phỏng vấn “các loại nhà” Hữu Ưóc nhỉ???
toi hieu va hoan nghenh nha tho nguyen trong tao o cho anh trung thuc voi cam xuc cua minh va noi thang ra bang nhung van tho mang dau an cua rieng anh, anh khong theo doi hoi cua van nghe xhcn la tho van phai co tinh dang tuc la partiality, toi nguong mo anh o cho do chu neu tho anh mang dam tinh dang thi dau con la nguyen trong tao nua phai khong anh,luc do thi anh lai bien thanh to huu mat roi… anh thanh cong vi di dung quy luat van hoa van nghe phan anh hien thuc theo nguyen tac impartial, toi tin anh chang bao gio roi bo nguyen tac ay vi tu minh da di theo no tu thuo dau doi, cam on nhung tac pham cua anh da lam cho cuoc doi nay co them mau sac moi
Bác Tạo à. Bác là nghệ sĩ đa tài : thơ, nhạc , họa nhưng Bác đã trả lời thơ là Nghiệp của Bác. Tôi cho là chính xác. Cũng như Lưu Quang Vũ, sự nghiệp sân khấu hoành tráng hàng đầu Việt Nam thế mà vẫn coi thơ là đam mê…Và do vậy tôi nghĩ NTT.org nên làm giải thưởng thơ như TN.com. Mà Bác làm giải này cũng có nhiều cơ sở để thiên hạ tin vào tài và tâm của Bác ( bác đã từng làm Hội đồng thơ của HNVVN rồi mà và Bác đã từng phát hiện , nâng đỡ nhiều hồn thơ đã thành danh ). Thế là nước ta có giải Văn, Thơ …do cá nhân trao nhưng rất có uy tín. Rồi sau đó có thêm giải Nhạc, Họa, sân khấu, điện ảnh …nữa để cho hết cảnh kiện cáo, cãi cọ, chạy chọt mấy cái giải, mấy cái danh hiện như hiện nay… Nhân dân trao giải, nhân dân yêu quí là nhất phải không Bác Tạo ?
Thơ thì nhiều người làm và lắm người bàn, nhưng hiếm người thích. Phải
chăng cái thời “để tâm hồn treo ngược cành cây” đã lùi vào quá khứ? Bây giờ rất nhiều người thích cái cười (hài hước) vì thời nay lắm cái trò hài hước ,ngay trong các cuộc họp “cung đình” cũng thấy trò hài hước, cứ nghe các vị đại biểu phát biểu thì buồn cười ra phết. Tướng công an cũng hài hước, bắt người ta vào đồn thì bảo là mời, ở VN có kiểu “mời” hay nhất thế giới. Giá như bác Tạo mở cái giải thưởng viết truyện hài hước thì hay biết mấy. Dạo này báo viết hầu như không có truyện cười, cứ mở báo mạng là nhiều người tìm truyện cười, nhiều người không thấy truyện cười là tiếc tiền thuê máy. Cũng may là nhiều nhà tư cũng cho thuê máy giá rẻ hơn ở cửa hàng nhiều, chủ máy bảo thôi thì kiếm được đồng nào hay đồng ấy trong thời buổi bão
giá, hai là để thế cho vui. Thi viết truyện cười trên mạng là tạo thêm thu nhập cho những người không biết làm gì mà chỉ cho thuê máy computeur. Giúp đời đi bác Trọng Tạo ơi. NHững người cho thuê máy thường là những người già.