NGUYỄN TRỌNG TẠO

Trần Phong Sơn
(Đức Sơn- Đức Thọ- Hà Tĩnh)
Lâu nay tôi cũng có niềm tin giống bạn là Huy Cận đã làm bài “Tràng Giang” về dòng sông quê ông. Nhưng thực ra ông lại viết về sông Hồng. Hồi đó là năm 1939 Huy Cận đang học năm thứ hai Trường cao đẳng Nông Lâm tại Hà Nội, và “luôn luôn bị một mối sầu lớn vò xé tâm hồn”. Thời bấy giờ, Hà Nội còn rậm rạp cây cối, và các hồ nước thì rất cô liêu. Để giải sầu, Huy Cận đạp xe lên đường đê Nhật Tân, con đê nằm giữa sông Hồng và Hồ Tây, lại gặp mùa nước lũ, con sông hồng đỏ ngầu lên và đột nhiên mở rộng lòng ra mênh mang. Ông lặng người đứng ngắm dòng sông vừa hùng vĩ vừa hoang vắng ấy. Ông thấy rác rêu, bèo bọt, tre gỗ và củi mục trôi nổi bồng bềnh cuốn đi theo dòng nước. Xa xa một làn sương dâng lên mơ hồ. Không có một bóng người. Đôi ba cánh chim chấp chới giữa một vòm trời về chiều nhạt mờ, u ám. Theo Ông thì có lẽ cảnh thiên nhiên không đến nối thiếu sức sống đến thế, nhưng cũng có lẽ tâm hồn khi đó đã rung lên đúng điệu buồn bã cô hoài như Nguyễn Du từng viết “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”. Tất nhiên cảnh ở đây đúng vào ngày ảm đạm, và mùa lũ sông Hồng này là lần đầu tiên Huy Cận được chứng kiến. Cảnh thiên nhiên hùng vĩ, hoang vắng đã “nhập” vào ông một điệu cô hoài chưa từng thấy. Thế là ông lẩm nhẩm câu thơ “Bâng khuâng trời rộng nhớ sông dài”. Đây là cảm giác đầu tiên bao trùm tâm trạng nhà thơ. Nhưng khi làm bài thơ, ông lại viết câu thơ đầu là “Sóng gợn Tràng Giang buồn điệp điệp”. Sau câu mở đầu này, từng lời thơ cứ trào tuôn như có dòng nước lũ cuốn ra từ lòng thi sĩ. Cái ý “Bâng khuâng trời rộng nhớ sông dài” lúc ban đầu lại biến thành “Sông dài trời rộng, bến cô liêu”. Xong bài thơ rồi, ông vẫn tiếc cái câu thơ bao trùm cả tâm trạng lúc ban đầu, thế là ông giữ luôn câu này làm đề từ cho cả bài thơ.
Như vậy là bài thơ “Tràng Giang” đã được Huy Cận sáng tác vào một buổi chiều tháng 9 năm 1939, cái buổi chiều ông tha thẩn đạp xe trên đê sông Hồng vào mùa nước lũ.
Nhưng theo tôi, đó chỉ là cái cớ cho bài thơ trào tuôn dòng chảy của tâm hồn, chứ còn vốn sống về sông của ông có thể còn khởi từ xa hơn, đấy là từ những con sông quê ông như Ngàn Sâu, Ngàn Phố, Sông La, Sông Lam và cả sông Hương nữa, con sông một thời đã gắn bó với cậu học sinh Cù Huy Cận nhiều tháng năm ở Huế. Và cũng có thể xa hơn nữa , đấy là những dòng sông trong thơ Đường mà ông đã từng được đọc: “Nhật mộ hương quan hà xứ thị – Yên ba giang thượng sử nhân sầu” (Quê hương khuất bóng hoàng hôn – Trên sông khói sông cho buồn lòng ai – bản dịch của Tản Đà). Vì thế mà ông đã kết bài “Tràng Giang” với hai câu mang tính âm u cổ kính của Đường thi mà lại rất tinh tế, gợi cảm của ngôn ngữ tiếng:Việt “Lòng quê dờn dợn vời con nước- Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà”.
*
Cả bài thơ không nói tên một dòng sông nào, dòng sông đó chính là “Tràng Giang” có nghĩa là “sông dài”, nhưng hai từ tràng giang không phải là tên sông, nên nó gợi cho người đọc có thể liên tưởng tới một con sông u hoài trong kỷ niệm của riêng mình.
Filed under: Báo chí, Làng văn nghệ | Tagged: Nguyễn Trọng Tạo |
Trả lời